Chương 3

Loan Truyền Phúc Âm Hy Vọng

 

1. Loan báo Mầu Nhiệm Chúa Kitô

“Hỡi Giáo Hội tại Âu Châu, ‘việc tân truyền bá phúc âm hóa’ là công việc trước mắt của người! Hãy tái phục hồi lòng nhiệt thành rao giảng… Chớ gì việc loan báo Chúa Giêsu là Phúc Âm hy vọng là niềm hãnh diện và là tất cả cuộc sống của người”.

 

“Cần phải thực hiện việc truyền bá phúc âm hóa tiên khởi nơi những phần đất khác nhau ở Âu Châu, vì con số thành phần chưa được rửa tội tăng phát, do bởi cả việc hiện diện đông đảo của những người di dân thuộc các tôn giáo khác lẫn thành phần trẻ em được sinh ra từ các gia đình theo truyền thống Kitô giáo chưa lãnh nhận phép rửa, hoặc vì ở dưới chế độ Cộng Sản hay vì tình trạng dửng dưng khô đạo đang lan tràn”.

 

“Cả ở phần lục địa Âu Châu ‘cổ’ nữa cũng có những lãnh vực xã hội và văn hóa bao rộng thực sự phải cần đến một cuộc truyền giáo cho muôn dân ‘missio ad gentes’”.

 

“Cần phải thực hiện một cuộc loan báo được đổi mới cho ngay cả những người đã được rửa tội. Nhiều người Âu Châu ngày nay nghĩ rằng họ biết được Kitô giáo là gì, song thật ra họ chẳng biết tôn giáo này gì cả…. Những ý thức cao cả về đức tin đang bị tiêu hao nơi nhiều người bởi một tôn giáo tính mơ hồ thiếu dấn thân thực sự; những hình thức khác nhau của trào lưu bất khả tri và vô thần thực dụng đang lan tràn…. Một số người đã bị chi phối bởi tinh thần của một thứ nhân bản phiếm thần làm yếu kém đức tin và thường dẫn đến chỗ hoàn toàn loại trừ đức tin một cách thê thảm”.

 

“Việc loan báo Phúc Âm hy vọng dòi phải kiên trì trung thành với chính Phúc Âm. Việc rao giảng của Giáo Hội, nơi tất cả moị hình thức của mình, cần phải càng tập trung vào ngôi vị Chúa Giêsu và càng qui về Người. Cần phải khôn ngoan loan báo một Chúa Kitô trọn vẹn hoàn toàn”.

 

“Âu Châu cần đến những nhà truyền bá phúc âm hóa khả tín, thành phần có đời sống, trong việc hiệp thông với Thập Giá và Phục Sinh của Chúa Kitô, chiếu tỏa vẻ đẹp của Phúc Âm. Những nhà truyền bá phúc âm hóa như vậy cần phải được huấn luyện kỹ lưỡng”.

 

“Con người đương thời của chúng ta ‘thích nghe theo những chứng nhân hơn là các bậc thày, và nếu họ có nghe các bậc thày là vì các vị là các chứng nhân’.”

 

Bởi thế Kitô hữu được ‘kêu gọi sống đức tin có khả năng đương đầu một cách thận trọng với nền văn hóa hiện đại và chống lại những lôi cuốn của nó; có khả năng thực hiện một tác dụng thực sự trên thế giới văn hóa, tài chính, xã hội và chính trị,… có khả năng hân hoan truyền đạt đức tin cho các thế hệ mới”.

 

2. Làm chứng bằng hiệp nhất và đối thoại

 

“Mỗi Giáo Hội Riêng không thể chỉ phải đối đầu với thách đố trước mặt. Cần phải thực sự hợp tác giữa tất cả mọi Giáo Hội Riêng trên Lục Địa này như biểu hiện mối hiệp thông thiết yếu của mình”.

 

“Nhiệm vụ hợp tác đại kết huynh đệ và dấn thân cũng được phát xuất như là một mệnh lệnh bất khả vãn hồi”.

 

“Việc loan báo Phúc Âm hy vọng cũng cần phải thiết lập một cuộc đối thoại liên tôn sâu xa và hiểu biết, nhất là với Do Thái giáo và Hồi giáo.

 

“Cần phải khích lệ việc đối thoại với Do Thái giáo, ý thức rằng thật là quan trọng cho việc Kitô hữu nhận biết mình cũng như thắng vượt những chia rẽ giữa các Giáo Hội, và cần phải hoạt động cho việc thăng hoa một mùa xuân mới nơi các mối liên hệ hỗ tương… Vấn đề dấn thân đối thoại này cũng bao hàm ‘việc nhìn nhận về trách nhiệm con cái Giáo Hội gánh chịu trong vấn đề phát triển và lan truyền nạn chống chủng tộc Do Thái trong lịch sử; phải xin Thiên Chúa tha thứ cho điều này, và phải thực hiện mọi nỗ lực hướng về những cuộc hội ngộ hòa giải và thân hữu với những người con của dân tộc Do Thái’”.

 

“Mối liên hệ xứng hợp với Hồi giáo là một vấn đề hết sức quan trọng… Điều này cần được thực hiện một cách khôn ngoan, ở chỗ hiểu được rõ ràng về những khả năng và giới hạn cũng như ở chỗ tin tưởng vào dự án cứu độ của Thiên Chúa giành cho tất cả mọi con cái của Ngài. Cũng cần phải chú ý tới cái khoảng cách giữa văn hóa Âu Châu nơi các cội nguồn Kitô giáo sâu xa của nó với tư tưởng của Hồi giáo”.

 

“Về vấn đề này, cần phải huấn luyện một cách xứng hợp những Kitô hữu đang sống giao tiếp hằng ngày với những người Hồi giáo để họ hiểu biết một cách khách quan về Hồi giáo cũng như để nhờ đó họ đem ra so sánh với niềm tin riêng của mình…. Ngoài ra, người ta có thể hiểu được là Giáo Hội… cảm thấy cần phải nhấn mạnh rằng vấn đề hỗ tương trong việc bảo đảm quyền tự do tôn giáo cũng cần được tuân giữ ở những xứ sở thuộc các truyền thống tôn giáo khác, nơi chỉ có một thiểu số Kitô hữu”.

 

“Trong trường hợp này, ‘người ta có thể hiểu được cái ngỡ ngàng và cảm giác chán nản của những người Kitô hữu tỏ ra đón nhận, chẳng hạn như ở Âu Châu, những tín đồ thuộc các tôn giáo khác, ở chỗ cống hiến cho họ cơ hội để họ có thể thực thi việc thờ phượng của họ, trong khi đó thành phần Kitô hữu lại bị cấm đoán không cho thực thi hết mọi việc tôn thờ theo Kitô giáo’ ở những xứ sở có những tín đồ thuộc đạo giáo ấy chiếm đa số và chỉ muốn chấp nhận cùng cổ võ tôn giáo của mình mà thôi. Con người có quyền tự do tôn giáo, và tất cả moị dân tộc ở mọi phần đất trên thế giới không thể nào lại bị áp chế bởi những cá nhân, những phái nhóm xã hội và hết mọi quyền lực của con người”.

 

3. Việc truyền bá phúc âm hóa sinh hoạt xã hội

 

“Việc loan báo Chúa Giêsu Kitô cũng cần vươn đến cả nền văn hóa Âu Châu hiện đại…. Công tác mục vụ phải được thực hiện việc hình thành ý hệ Kitô giáo  trong sinh hoạt bình thường, như tại gia đình, ở học đường, nơi các phương tiện truyền thông xã hội, trong sinh hoạt văn hóa, tại chỗ làm việc và hoạt động kinh tế, nơi lãnh vực chính trị, vào giờ chơi giải trí, lúc khỏe mạnh cũng như khi yếu đau”.

 

“Một phần quan trọng của bất cứ một chương trình truyền bá phúc âm hóa văn hóa nào đó là dịch vụ được các học đường Công giáo cung cấp”.

 

“Chúng ta cũng không được coi thường việc đóng góp tích cực ở chỗ biết cách khôn ngoan sử dụng các kho tàng văn hóa của Giáo Hội”.

 

“Tôi khuyến khích Giáo Hội ở Âu Châu hãy chú trọng hơn nữa đến việc huấn luyện đức tin cho giới trẻ. Trong lúc chúng ta đang hướng về tương lai, chúng ta không thể nào không nghĩ đến họ, ở chỗ chúng ta cần phải giáo tiếp với trí khôn, lòng muốn và tính chất của giới trẻ để cống hiến cho họ một thứ huấn luyện lành mạnh về nhân bản và Kitô giáo”.

 

“Để đạt được mục đích này, cần phải thực hiện một thừa tác vụ đổi mới cho giới trẻ, được tổ chức theo nhóm tuổi và chú trọng tới những tình trạng khác nhau của thành phần trẻ em, vị thành niên và thanh niên. Việc cống hiến thừa tác vụ giới trẻ này cũng cần phải được thực hiện có phương pháp tổ chức và liên tục hơn, cũng như cần phải nhẫn nại quan tâm tới những vấn đề do giới trẻ nêu lên, để biến họ trở thành những người đóng vai chính trong việc truyền bá phúc âm hóa cũng như trong việc xây dựng xã hội”.

 

“Đối với tầm quan trọng của các phương tiện truyền thông xã hội, Giáo Hội ở Âu Châu cần phải đặc biệt chú trọng tới thế giới muôn mặt của vấn đề truyền thông đại chúng. Vấn đề này sẽ bao gồm nhiều sự trong đó có việc huấn luyện đầy đủ cho thành phần Kitô hữu làm việc trong ngành truyền thông cũng như cho những ai sử dụng truyền thông, để nhờ đó họ hiểu hơn những thứ ngôn ngữ mới mẻ do truyền thông phổ biến.”

 

“Khi Tôi bước qua Cửa Thánh vào lúc mở màn cho Cuộc Đại Hỷ Mừng Năm 2000, Tôi đã nâng cao Sách Phúc Âm để tỏ cho Giáo Hội và thế giới thấy. Cũng cùng một tác động theo lễ nghi này được tất cả các vị Giám Mục ở các vương cung thánh đường khác nhau trên thế giới thực hiện đã tỏ ra cho thấy công việc đang đợi chờ Giáo Hội của Lục Địa chúng ta hiện nay cũng như mãi mãi sau này.

“Hỡi Giáo Hội tại Âu Châu, hãy tiến vào ngàn năm mới bằng Sách Phúc Âm!… Chớ gì Thánh Kinh tiếp tục là một kho tàng cho Giáo Hội này cũng như cho hết mọi Kitô hữu”.

 

“Chúng ta hãy cầm Thánh Kinh lên! Chúng ta hãy nhận lấy Thánh Kinh từ Chúa Kitô, Đấng tiếp tục ban Thánh Kinh cho chúng ta qua Giáo Hội của Người. Chúng ta hãy ngấu nghiến Thánh Kinh để Thánh Kinh trở thành chính sự sống của chúng ta. Chúng ta hãy hết lòng gìn giữ Thánh Kinh”.